Cuộc phiêu lưu của Seedcom

Bán lẻ, Công nghệ và sắp tới đây là Nông nghiệp sẽ là 3 hướng đi chính mà Seedcom tập trung vào đầu tư và phát triển.

Ngồi tại The Coffee House trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM), ông Nguyễn Duy Linh (thành viên ban điều hành Seedcom, người trực tiếp tham gia tư vấn và phát triển chuỗi café) tự hào chia sẻ về doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng này khoảng trên 20 triệu đồng/ngày và đã đạt tới điểm hòa vốn chỉ sau vài tháng hoạt động. Mới ra mắt được hơn 1 năm nhưng The Coffee House đã có 12 cửa hàng tại Sài Gòn và vừa khai trương một cửa hàng ngay trung tâm Hà Nội.

The Coffee House là một trong những startup tiêu biểu được Seedcom góp vốn và tham gia thành lập.

Với thế mạnh về kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, ông Đinh Anh Huân cùng một nhóm những nhà đầu tư khác đã cùng tìm kiếm những lĩnh vực có thị trường tiềm năng và bản thân doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh để đầu tư và tham gia cố vấn phát triển.

Tới năm 2014, các khoản đầu tư đó được quy về một công ty mang tên Seedcom. Lấy ý tưởng từ một hạt giống, nếu được chăm sóc tốt sẽ vươn mình trở thành một cây đại thụ, Seedcom hi vọng là nơi tập hợp đam mê của những người muốn khởi nghiệp.

Ông Đinh Anh Huân - Sáng lập Seedcom (ngoài cùng bên phải) và các sáng lập viên của một số startup như Tiki, Juno hay Balohanghieu.

Bán lẻ, Công nghệ và sắp tới đây là Nông nghiệp sẽ là 3 hướng đi chính mà Seedcom tập trung vào đầu tư và phát triển.

Với Công nghệ, nhìn chung những khoản đầu tư mà Seedcom lựa chọn vẫn gắn liền với lĩnh vực bán lẻ. Những startup công nghệ được Seedcom đầu tư như Haravan.com, Kiotviet.vn đều tập trung phát triển công nghệ liên quan tới vận hành, quản lý và giúp bán hàng trên nhiều kênh như bán trên website, bán hàng trên facebook…

Trong đó phải kể đến Haravan.com là startup tương tự mô hình Shopify chuyên về cung cấp nền tảng hệ thống phục vụ kinh doanh online. Tuy nhiên trong quá trình phát triển thực tiễn ở Việt Nam, Haravan.com đã bứt phá thêm những tính năng đặc thù với môi trường kinh doanh ở Việt Nam bằng việc chia nền tảng hệ thống thành 2 nhánh: phục vụ bán hàng trên website và nền tảng quản lý kinh doanh trên facebook và phát triển tính năng đồng bộ sản phẩm bán trên diễn đàn. Dù mới ra mắt đầu năm nay nhưng cũng phát triển được hệ thống quản lý cho trên 20.000 cửa hàng và đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2015.

Ngoài Haravan.com, có thể kể ra những cái tên khá nổi tiếng khác như Tiki.vn, The Coffee House, Juno.vn, Concung.com, Giaohangnhanh.vn, KiotViet.vn,… hay mới đây nhất là Pizza4Ps.com. Tổng cộng, hiện có hơn 14 startup đang được Seedcom đầu tư.

Mặc dù có cùng chung mục tiêu trong kinh doanh bán lẻ, nhưng ông Đinh Anh Huân khẳng định rằng họ không xây dựng một hệ sinh thái trong kinh doanh.

“Trong quan điểm của tôi, mỗi công ty có một sứ mệnh của riêng mình, đội ngũ riêng, khó khăn và cơ hội riêng. Nếu các công ty kết hợp được vói nhau thì tốt, nhưng không kết hợp được thì cũng không sao. Nếu có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau thì phải dựa trên lợi ích về kinh tế. Công ty anh có sản phẩm tốt, giá hợp lý thì tôi dùng. Nghĩa là anh phải có năng lực cạnh tranh thật sự”, ông Huân chia sẻ.

“Seedcom không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm”

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Hoàng Phương – CEO Seedcom – đã khẳng định, Seedcom không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm như mọi người thường nghĩ.

- PV: Vậy vai trò của Seedcom trong việc quản lý hay điều hành những startup được công ty đầu tư như thế nào?

“Seedcom chỉ đóng vai trò hỗ trợ vốn và nguồn lực khác khi cần thiết chứ không tham gia trực tiếp vào công việc điều hành. Có một số startup đặc thù như The Coffee House hay Juno.vn thì Seedcom sẽ góp vốn và tham gia vào quá trình phát triển. Còn lại đa phần các công ty tự hoạch toán phát triển và chịu trách nhiệm toàn bộ.”

- Nếu như vậy, bản chất Seedcom cũng giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm?

“Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa Seedcom và một quỹ đầu tư mạo hiểm đó là công ty không có mục tiêu thoái vốn. Về bản chất, Seedcom là một công ty” - ông Phương chia sẻ.

Juno.vn – một startup dưới trướng của Seedcom là minh chứng của điều này. Đây là startup do Seedcom trực tiếp đầu tư nhà máy, xây dựng và điều hành,. Juno.vn ra đời khi Seedcom nhận thấy nhu cầu giày dép tại Việt Nam rất lớn, một thị trường tiềm năng nhưng lại chưa có tên tuổi nội địa nào tham gia.

“Juno.vn nhắm tới đối tượng khách hàng nữ, nhu cầu mua giày lớn nhưng thu nhập chưa cao. Các sản phẩm ở phân khúc này chủ yếu là giày Trung Quốc, không có thương hiệu. Trong khi đó, chúng ta có thế mạnh về sản xuất, chi phí, nhân công sau nhiều năm làm gia công cho các đối tác nước ngoài, tại sao không tạo ra một thương hiệu made in Vietnam?”, ông Phương đặt câu hỏi.

Nghĩ là làm, Juno.vn nhanh chóng được triển khai và mang về thành công nhất định. Hiện tại, thương hiệu này đã có 8 cửa hàng ở Sài Gòn và 7 cửa hàng ở Hà Nội. Dự kiến đến cuối năm nay, Juno.vn sẽ có trên 22 cửa hàng.

The Coffee House vừa Bắc tiến với cửa hàng đầu tiên tại trung tâm Hà Nội tháng 9 này.

Tương tự như The Coffee House, Juno.vn đạt tới điểm hoà vốn rất nhanh, chỉ sau 9 tháng hoạt động. Dù không đặt ra kế hoạch dài hơi, nhưng tiêu chí rõ ràng của Seedcom đó là các startup cần phải tìm ra cách sinh tồn nhanh nhất. Trong quan điểm của các nhà sáng lập Seedcom, startup Việt Nam rất khác với startup ở Mỹ. Trước tiên, startup phải tìm cách để tồn tại, tồn tại càng lâu càng tốt trước khi nghĩ tới việc nhận được tiền đầu tư và phát triển

Không chỉ với lĩnh vực bán lẻ, ngay cả lĩnh vực công nghệ cũng không ngoại lệ. Các công ty phải tự chủ được về nguồn thu, chứ không thể trông chờ vào đầu tư. Như phần mềm KiotViet.vn hiện cung cấp cho trên 5.000 khách hàng với mức phí 200.000 đồng/tháng. Haravan.com với hệ thống hàng chục nghìn người sử dụng cho kinh doanh online, đến thời điểm này cũng đã gần đạt điểm hòa vốn và đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Với danh mục đầu tư khá dài, ông Phương cũng chia sẻ, Seedcom sẽ tạm thời ngừng tìm kiếm những startup mới mà tập trung phát triển hệ thống hiện tại. Một phần lý do cũng đến từ “nguồn vốn có hạn”. "Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp thường gặp rất nhiều rủi ro nên Seedcom chưa muốn nhận vốn đầu tư của các bên khác ở thời điểm hiện tại. Chỉ cho đến khi một số doanh nghiệp đã hình thành được mô hình kinh doanh và có hướng phát triển ổn định lúc đó Seedcom mới yên tâm mời các nhà đầu tư cùng tham gia để chắc chắn rằng tiền vốn đó sẽ mang lại kết quả xứng đáng”, ông tâm sự.

Những hướng đi mới

Với tư duy “miễn có thị trường tiềm năng và phù hợp với thế mạnh là đầu tư” đã đưa Seedcom tới nhiều lĩnh vực mới. Nông nghiệp là một trong số đó.

Vừa lật giở những bức ảnh chụp đồi trà ở Cầu Đất, ông Lê Quang Hưng (thành viên BĐH Seedcom) vừa cho biết, Seedcom đã đầu tư vào việc tu bổ đất đai tại Đà Lạt, phục vụ cho việc trồng trà, cà phê, rau, dâu và trồng hoa. Khoảnh đất nơi Seedcom đầu tư từng có một nhà máy sản xuất trà từ những năm 1927.

Đà Lạt, theo ông Hưng, là nơi có khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt so với hầu hết các vùng đất ở Đông Nam Á và Châu Á. Khí hậu ôn đới quanh năm 18- 250C giúp Đà Lạt trở thành nơi lý tưởng để trồng ra những loại trà, café arabica, rau, dâu, hoa… chất lượng cao.

“Thổ nhưỡng tại Đà Lạt cũng giống như vùng Cameron Highland của Malaysia. Nếu cùng một giống trà, chất lượng sản phẩm cũng ra tương tự. Tuy nhiên, giá một kí trà tại Đà Lạt chỉ có 1 USD, còn ở Cameron Highland là 30 USD. Giá bán đắt hơn 30 lần và họ bán được ra toàn thế giới. Đấy là chưa kể, công ty BOH (nơi cung cấp trà Cameron Highland) còn khai thác triệt để nguồn thu từ du lịch”, ông Hưng chia sẻ.

Công ty BOH của Malaysia được thành lập năm 1929, nghĩa là sau nhà máy trà Cầu Đất ở Đà Lạt 2 năm. Cùng một điều kiện tự nhiên, nhưng số phận của hai công ty hoàn toàn khác biệt.

 

Ông Đinh Anh Huân trong chuyến đi thăm cao nguyên Cameron Highland, Malaysia mùa hè vừa qua.

Thu hẹp khoảng cách về nông nghiệp công nghệ cao giữa Đà Lạt và Cameron Highland là mục tiêu mà các nhà sáng lập Seedcom đặt ra. Dự kiến tới cuối năm, những sản phẩm đầu tiên từ trà, café, rau, dâu và hoa sẽ có mặt trên thị trường thông qua kênh bán hàng online.

Tất nhiên, kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt của Seedcom không hề đơn giản. Bản thân ông Hưng, ông Huân hay những người trong ban điều hành Seedcom phải đi đến nhiều nơi, tham quan cách các doanh nghiệp sản xuất, học hỏi các mô hình đi trước, tiếp theo đó là thuê chuyên gia về thử nghiệm giống, phương pháp trồng,…

“Để người nông dân làm theo mình thì trước hết bản thân phải tiến hành thử nghiệm trước, quảng bá và tìm đầu ra. Đến khi có quy trình chuẩn mực, bán được hàng rồi, lúc đó cần sản lượng đi lên thì mới hợp tác với người nông dân để hướng dẫn và hỗ trợ họ đảm bảo chất lượng sản phẩm và bao tiêu đầu ra.

Tôi muốn làm sao thay đổi cách người nông dân ở Đà Lạt trồng trà, trồng hoa, trồng cà phê. Một phần vì đây là vùng đất quá tiềm năng về thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ưu đãi”, ông Hưng chia sẻ.

Ban điều hành Seedcom và một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp tại đồi chè Cầu Đất - Đà Lạt.

Tất cả những startup mà Seedcom đầu tư đều hướng đến một mục tiêu cuối cùng, đó là thị trường xuất khẩu trong cả 3 lĩnh vực. Đối với bán lẻ như: giầy dép, café, trà, rau, dâu, hoa… mục tiêu xuất khẩu được đặt ra vào năm 2016; với mảng công nghệ, các phần mềm giúp bán lẻ của người Việt Nam làm phải đạt được mục tiêu xuất khẩu vào năm 2017… Tất cả đều được Seedcom đặt mục tiêu xuất khẩu các thành phẩm ra nước ngoài dưới thương hiệu của Việt Nam, trước tiên là các quốc gia trong khu vực.

“Khi đánh giá tiềm năng của thị trường, Seedcom không chỉ xem xét ở Việt Nam mà là toàn khu vực. Như Philippines, một năm họ chỉ tự sản xuất đáp ứng được 25% nhu cầu sử dụng cà phê, 75% phần còn lại là đi nhập. Nếu chúng ta làm tốt, mục tiêu xuất khẩu là hoàn toàn khả thi”, ông Đinh Anh Huân kết luận.

Trang Lam


Theo Trí Thức Trẻ